TIN TỨC DÒNG HỌ Về trang trước
Làng Bảo An
Làng Bảo An, xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là có lịch sử hình thành lâu đời. Đây được coi là ngôi làng “trí thức”, với truyền thống hiếu học, quê hương của nhiều danh nhân nổi tiếng, ngôi làng của những nghề truyền thống nổi tiếng và từ rất sớm mang dáng dấp của một “nông thôn mới” thật sự.
Làng Bảo An nằm ở trung tâm vùng Gò Nổi, nay là thôn Bảo An Đông và Bảo An Tây xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn. Theo một số tài liệu thì làng được thành lập từ giữa thế kỷ thứ XV, do tổ tiên của 3 tộc họ chính là Nguyễn, Phan, Ngô, sau đó có thêm Phạm và Thái, vốn có quê gốc ở huyện Nghi Xuân, Thừa tuyên Nghệ An, theo vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm vào năm 1471, sau đó được phân công ở lại khai phá vùng đất mới.

Lúc đầu các tộc họ chính đến khai khẩn ở vùng Hòa Đa, nằm phía bắc sông Thu Bồn, sau mới vượt sông đến khai phá vùng Bảo An này. Từ khi thành lập đến nay làng đã trải qua nhiều tên. Đầu tiên làng có tên là Phi Phú. Sau đổi thành làng Phú An, Phú An Đông, Phú An Tây (dưới thời chúa Nguyễn), Tây Nhị xã (dưới thời Tây Sơn). Sang thời nhà Nguyễn, theo Địa bạ triều Gia Long soạn năm 1812, làng có tên Bảo Đông, Bảo Tây nhị xã. Sau Cách mạng tháng Tám, làng mang tên danh nhân Hoàng Diệu. Sau năm 1954, Bảo An thuộc xã Phú Tân. Từ đó đến nay Bảo An thuộc xã Điện Quang (gián đoạn thời kỳ 1954 - 1975).

Nằm ở vị trí đặc biệt, kẹp giữa hai nhánh của sông Thu Bồn, làng Bảo An có đất đai màu mỡ, phong cảnh hữu tình. Ngày trước dân gian thường truyền tụng câu ca dao: “Cây da mô cao bằng cây da Bàn Lãnh. Đất mô thanh cảnh bằng đất Bảo An”.

Bảo An cũng là làng văn vật hàng đầu của Quảng Nam. Dưới thời nhà Nguyễn, làng có 2 phó bảng, 16 cử nhân, 27 tú tài (chiếm 17% số trung đại khoa của toàn huyện). Đây cũng là quê hương các danh nhân: Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác, Phan Thành Tài, Lương Khắc Ninh, Xuân Tâm, Nguyễn Đình, Phan Thanh, Phan Bôi… Đình làng Bảo An được xây dựng năm 1702, nhiều lần bị phá hoại và xây lại. Đình được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2013.

 Bản in  Lên đầu trang